Cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ

(Tuyên giáo Củ Chi) – Thời điểm này, khi học sinh các cấp bắt đầu bước vào những ngày nghỉ đầu của kỳ nghỉ hè năm 2024 thì cũng là lúc các trận mưa lớn xuất hiện, khiến mực nước ở kênh, ao, hồ dâng cao.

Củ Chi là địa phương có nhiều kênh, ao, hồ… nên vào dịp hè, thời tiết oi bức, trẻ em, thiếu niên ham thích vui chơi, khám phá, thường tìm đến các ao, hồ, kênh… để tắm. Trong khi ao, hồ, kênh… có nhiều chỗ sâu, mặt đất phía dưới không bằng phẳng… nên chỉ cần sơ sẩy, chủ quan có thể sẽ phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Mặc dù có trẻ biết bơi và nguy cơ đuối nước từ những trẻ này cũng chiếm tỷ lệ cũng khá cao.

Thiết nghĩ, để chủ động phòng ngừa và hạn chế các vụ đuối nước, các đơn vị chuyên trách cần chủ động tham mưu, đề xuất cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để nhân dân, nhất là trẻ em, học sinh biết các khu vực, phòng tránh các địa điểm kênh, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn chết đuối nước.

Với các bậc phụ huynh học sinh, cần tăng cường quản lý con em mình, không được cho con em đi tắm, bơi ngoài kênh, hồ mà không có người lớn đi kèm. Không để các cháu chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu, kênh… rất dễ gặp nguy hiểm. Nhà ở gần kênh, ao, hồ cần làm cửa chắn và rào quanh nhà. Một điều quan trọng và vô cùng cần thiết đối với các bậc phụ huynh là cần trang bị kỹ năng bơi cho các con bằng cách cho con đến học bơi ở các trung tâm thể thao, những địa chỉ dạy bơi có uy tín.

Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội.

Cách xử lý khi phát hiện có trẻ em đuối nước

Hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy trẻ em bị ngã xuống nước. Đồng thời, cần nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, dây, áo phao… để trẻ bám vào các vật dụng này và kéo từ từ vào bờ. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, lập tức kiểm tra đường thở, nếu trong miệng, mũi, có dị vật cần lấy ra ngay, rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách: đặt nạn nhân nằm ngửa, hồi sức hô hấp bằng cách lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài rồi buông ra. Tiếp tục thao tác lại thêm hai lần như vậy. Sau đó tiến hành ép tim lồng ngực bằng cách đan hai tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên hai lần hồi sức hô hấp – 30 lần ép tim như vậy cho đến khi có nhân viên y tế hoặc người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *