Hội nghị chuyên đề về bảo tồn và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, t …

(Tuyên giáo Củ Chi) – Ngày 30/10/2024, Huyện ủy tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề “Bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện”.

Đồng chí Nguyễn Quyết Thắng, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chủ trì hội nghị.

Di tích lịch sử – văn hóa ở mỗi địa phương gắn chặt với các yếu tố nội tại của địa phương, để tạo thành một không gian văn hóa riêng biệt, biểu trưng cho mỗi địa phương. Củ Chi là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của quê hương. Củ Chi Có 06 công trình, địa điểm đã được quyết định xếp hạng di tích gồm: Địa đạo Củ Chi (Di tích cấp quốc gia đặc biệt); Chùa Linh Sơn, Đình Xóm Huế (di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố); Đình Cây Sộp, Đình Tân Thông, Căn cứ Quận Gò Môn (di tích lịch sử cấp Thành phố). Những di tích này là biểu tượng lịch sử và văn hóa, là niềm tự hào của mỗi người dân Củ Chi, bởi có thể ví như tấm gương phản chiếu lịch sử, văn hóa hình thành vùng đất, con người, cũng như mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc và có khả năng kết nối cộng đồng bền chặt.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, người nông dân không còn quanh quẩn kiếm sống và giao lưu, làm việc bên lũy tre làng mà đã nay đã có sự hợp tác, liên kết với nhau theo chuỗi, hội để tạo giá trị cao hơn trong phát triển sản xuất. Khi được chủ động lựa chọn nghề nghiệp, thích ứng với bối cảnh mới, người nông dân có điều kiện tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, nhờ đó, đời sống văn hóa tinh thần của người nông dân trở nên đa dạng, phong phú hơn. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng trong các khu dân cư được đẩy mạnh và ngày càng sôi động. Người dân ngày càng quan tâm hơn đến việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở.

Huyện đã và đang thực hiện mục tiêu, đó là: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Củ Chi đáp ứng yêu cầu phát triển quê hương, hướng tới xây dựng huyện Củ Chi “Văn hóa nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển toàn diện, văn hóa, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ để thực hiện mục tiêu trên thì việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, các di tích văn hóa vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa mang tính lâu dài; đồng thời, không phải nhiệm vụ của một cấp, một ngành hay riêng địa phương, đơn vị nào.

Tại Hội nghị, có nhiều ý kiến tham luận, trao đổi làm sáng tỏ một số cách làm, giải pháp để Củ Chi tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện.

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị, để nâng cao chất lượng và khai thác có hiệu quả công tác này trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các cơ quan cần nâng cao nhận thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, thiết chế văn hóa cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, nghiên cứu và đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực từ Nhà nước và xã hội để trùng tu, bảo vệ các di tích, thiết chế văn hóa; đổi mới cơ chế quản lý, kêu gọi đầu tư xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao; đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu người dân; đồng thời, khuyến khích các hoạt động văn hóa, du lịch tại các di tích, tổ chức các sự kiện để thu hút du khách, tăng cường quảng bá hình ảnh, con người Củ Chi; tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, phát triển các sáng kiến mới trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; quan tâm thực hiện quy hoạch thiết chế văn hóa cơ sở; phát huy vai trò các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành nơi sinh hoạt truyền thống của địa phương; tiếp tục quan tâm đầu tư, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí hoạt động và kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của Ban quản lý các di tích; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực liên quan, nhằm nâng cao chất lượng tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý để khai thác, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *