(Tuyên giáo Củ Chi) – Ngày 9/7/2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Trang Thông tin tuyên truyền Ban Tuyên giáo Huyện ủy giới thiệu về những điểm mới cơ bản trong Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.
* Những điểm mới cơ bản trong Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị
So với Chỉ thị số 35 năm 2019, Chỉ thị lần này cơ bản giữ nguyên kết cấu gồm 3 phần chính là yêu cầu, nội dung, tổ chức thực hiện; 4 phụ lục về tiêu chuẩn, độ tuổi, số lượng cấp ủy viên, quy trình, hồ sơ nhân sự. Về nội dung, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp ở nhiệm kỳ trước, Chỉ thị số 35 năm 2024 đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các nghị quyết, văn bản mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và tình hình thực tiễn, với 9 điểm mới cơ bản sau:
Điểm mới thứ nhất về đánh giá tình hình: Chỉ thị lần này đã đánh giá toàn diện hơn những thuận lợi và thách thức trong quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng các cấp. Nếu như phần mở đầu của Chỉ thị số 35 năm 2019, Bộ Chính trị đánh giá hết sức khái quát về bối cảnh diễn ra đại hội với nhận định chung “Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta” thì trong Chỉ thị số 35 lần này, Trung ương đã chỉ rõ đất nước ta đang có được những thuận lợi gì và đang đối mặt với những thách thức cụ thể như thế nào.
Lần đầu tiên các mối đe dọa về an ninh truyền thống, phi truyền thống; về tác động của xung đội cục bộ diễn ra trên thế giới; ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4… được đưa vào chỉ thị đại hội; đồng thời Trung ương cũng đã đánh giá sâu hơn về tình hình suy thoái, phai nhạt lý tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao… Đây là cách tiếp cận thẳng thắn, cho chúng ta cái nhìn đầy đủ hơn về bối cảnh hiện nay, từ đó đòi hỏi phải đặt ra những quan điểm, cách làm mới hiệu quả và quyết liệt hơn.
Điểm mới thứ hai về yêu cầu: Chỉ thị số 35 năm 2024 đã bổ sung nhiều nội dung mới, mang tính toàn diện và sâu sát hơn trong công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội.
Nếu so về số lượng, Chỉ thị số 35 năm 2024 đưa ra 7 yêu cầu, chỉ nhiều hơn 1 yêu cầu so với Chỉ thị số 35 năm 2019; tuy nhiên, nội dung trong từng yêu cầu đã được hoàn chỉnh và bổ sung với nhiều quan điểm chỉ đạo mới, đòi hỏi cấp ủy các cấp cần nghiên cứu kỹ và bám sát trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội.
Trong công tác chuẩn bị văn kiện, yêu cầu đầu tiên Bộ Chính trị đặt ra là phải nâng cao chất lượng văn kiện trình đại hội, trong đó ngoài việc phải đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả đạt được, điểm mới trong Chỉ thị lần này là Bộ Chính trị yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác dự báo; phải dự báo được những thời cơ, thuận lợi và thách thức trong nhiệm kỳ tới trên cơ sở khoa học, từ đó mới xây dựng được mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ tới sát tình hình thực tế và có tính khả thi cao.
Qua đánh giá công tác chuẩn bị văn kiện nhiệm kỳ 2020 – 2025 cho thấy, một số nơi do chưa làm tốt công tác dự báo, không nắm bắt được xu thế hoặc không lường hết được các khó khăn đặt ra nên việc thực hiện các mục tiêu theo nghị quyết đại hội gặp rất nhiều thách thức và khó đạt được.
Về công tác nhân sự, có thể thấy trong Chỉ thị lần này, Bộ Chính trị dành gần 1/2 gam lượng trong phần yêu cầu để chỉ đạo về công tác nhân sự. Từ thực tiễn nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhiều đồng chí lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ cấp chiến lược vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Vì vậy trong Chỉ thị số 35 lần này, Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm đến công tác chuẩn bị nhân sự với nhiều quan điểm chỉ đạo mới và quyết liệt như: Phải thận trọng từng bước, làm đến đâu chắc đến đó; đổi mới mạnh mẽ công tác thẩm định nhân sự, phát huy tối đa trách nhiệm các cơ quan chức năng; chủ động rà soát, thẩm tra, thẩm định chặt chẽ, kỹ lưỡng không chỉ về tiêu chuẩn mà còn về kê khai tài sản, thu nhập, thông tin, trách nhiệm của nhân sự; có cơ chế sàng lọc để không bỏ sót người tài, có đức và không để lọt người không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện.
Bộ Chính trị cũng đưa ra 8 nhóm hạn chế, khuyết điểm, vi phạm hết sức cụ thể để cấp ủy các cấp sàng lọc nhân sự, trong đó có những vấn đề lần đầu đưa vào Chỉ thị như né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm; kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu… Đây là những nội dung rất mới, rất sát thực tiễn; nhấn mạnh quan điểm phải thực sự đề cao, coi trọng chất lượng cấp ủy các cấp.
Điểm mới thứ 3 về các báo cáo trình đại hội: Chỉ thị số 35 năm 2024 đã xác định rõ vai trò của báo cáo chính trị, là báo cáo trung tâm và có vai trò định hướng cho các văn kiện khác. Điều đó có nghĩa báo cáo chính trị là “xương sống” của văn kiện đại hội, các văn bản khác phải được xây dựng đồng bộ, thống nhất, bổ sung, phát triển trên cơ sở báo cáo chính trị. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các địa phương, trong Chỉ thị lần này, Bộ Chính trị không còn giao cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị chương trình hành động để đại hội thảo luận như nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Điểm mới thứ 4 về độ tuổi tái cử: Chỉ thị số 35 năm 2024 cơ bản giữ nguyên tiêu chuẩn về độ tuổi và thời điểm tính tuổi như nhiệm kỳ 2020 – 2025, theo đó cán bộ tham gia lần đầu thì phải còn thời gian công tác trọn 1 nhiệm kỳ trở lên; thời điểm tính tuổi là thời gian bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ mỗi cấp, cấp cơ sở là tháng 4/2025, cấp huyện là tháng 6/2025, cấp tỉnh là tháng 9/2025. Đây là mốc thời gian áp dụng chung, không phụ thuộc vào thời điểm tổ chức đại hội cụ thể của từng địa phương.
Điểm mới cần lưu ý trong Chỉ thị số 35 năm 2024 là về độ tuổi tái cử. Nếu như Chỉ thị số 35 năm 2019 yêu cầu cán bộ tái cử cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội đều phải còn thời gian công tác ít nhất 30 tháng tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội mỗi tổ chức, thì trong Chỉ thị lần này, Bộ Chính trị chỉ yêu cầu thời gian tối thiểu 30 tháng đối với tái cử cấp ủy.
Nếu tái cử được cấp ủy thì yêu cầu thời gian công tác để tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, đoàn thể là từ 18 tháng. Điểm mới này đã khắc phục được thực trạng một số đồng chí còn đủ tuổi tái cử cấp ủy nhưng không đủ tuổi tái cử chức danh lãnh đạo chính quyền, đoàn thể dẫn đến khó khăn trong công tác sắp xếp, bố trí nhân sự sau đại hội như các nhiệm kỳ trước.
Điểm mới thứ 5 về cơ cấu, số lượng cấp ủy: Khác với Chỉ thị số 35 năm 2019, tại Chỉ thị lần này, Bộ Chính trị yêu cầu cơ cấu cấp ủy “phải đảm bảo” sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng thay cho cụm từ “cơ bản đảm bảo” như trước đây, nhằm khẳng định rõ vai trò và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.
Để thực hiện với quy định này, Bộ Chính trị đã tăng số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện trở về như nhiệm kỳ 2015 – 2020, theo đó cấp huyện từ 29 – 41 đồng chí, cấp tỉnh từ 43 – 53 đồng chí; tăng số lượng ủy viên thường vụ cấp ủy cấp huyện lên không quá 13 đồng chí (trước đây là 9 – 11 đồng chí); đồng thời thống nhất quy định chỉ có ban thường vụ cấp ủy mới có cơ cấu cứng, còn lại do cấp ủy quyết định theo yêu cầu nhiệm vụ và tình hình đội ngũ cán bộ.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi và sự chủ động rất lớn cho các địa phương trong việc cơ cấu cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, nhất là các huyện sau khi thôi thực hiện mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện.
Bên cạnh đó, trong Chỉ thị số 35 năm 2024, lần đầu tiên Bộ Chính trị có định hướng cụ thể về cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy cấp xã gồm bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam, trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, qua đó đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện.
Trong Chỉ thị lần này, Bộ Chính trị không còn quy định “cứng” về tỉ lệ cán bộ trẻ từ 10% trở lên; về đổi mới 1/3 cấp ủy viên như Chỉ thị số 35 năm 2019 mà chuyển sang “phấn đấu”. Sự thay đổi này xuất phát từ thực tiễn các nhiệm kỳ trước hầu hết các đảng bộ đều không thể đạt được mục tiêu này.
Bên cạnh việc thay đổi mục tiêu như trên, Bộ Chính trị đã tăng tuổi cán bộ trẻ ở cấp tỉnh, cấp huyện lên 42 tuổi để phù hợp với tuổi nghỉ hưu mới (trước đây là dưới 40 tuổi), quy định độ tuổi trẻ ở cấp xã là dưới 40 tuổi (trước đây không quy định cụ thể). Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về tỉ lệ nữ, trẻ được tính cho cả nhiệm kỳ; điều này có nghĩa đầu nhiệm kỳ có thể chưa đạt được các chỉ tiêu, tuy nhiên, Bộ Chính trị yêu cầu phải chủ động chuẩn bị nhân sự kiện toàn, bổ sung để đến cuối nhiệm kỳ các mục tiêu này phải đảm bảo theo quy định.
Một điểm mới nữa trong cơ cấu cấp ủy là Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu cơ bản thực hiện bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương, hoàn thành 100% ở cấp huyện và khuyến khích đối với cấp xã. Đây là những mục tiêu đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Điểm mới thứ 6 về tiêu chuẩn cấp ủy viên: Trên cơ sở Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 35 lần này đã bổ sung thêm tiêu chuẩn “cán bộ được giới thiệu bầu vào cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể (chức vụ cao hơn) nhìn chung phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất 24 tháng; trường hợp đặc biệt có thời gian giữ chức vụ 12 tháng và do cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ quyết định. So với Quy định số 80-QĐ/TW thì Chỉ thị số 35 có mở rộng hơn về trường hợp đặc biệt là 12 tháng.
Điểm mới thứ 7 về quy trình nhân sự cấp ủy: Kế thừa Chỉ thị số 35 năm 2019, Chỉ thị số 35 mới vẫn quy định 2 quy trình riêng biệt là tái cử và giới thiệu tham gia lần đầu. Tuy nhiên, khác với nhiệm kỳ trước, lần này Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy phải xây dựng đề án nhân sự trước để làm cơ sở tiến hành quy trình (trước đây là xây dựng phương hướng nhân sự).
Bên cạnh đó, quy trình tái cử chỉ gồm 2 bước là hội nghị ban thường vụ và hội nghị ban chấp hành thay vì 5 bước như trước đây. Trong quy trình giới thiệu tham gia lần đầu, Bộ Chính trị giữ nguyên trình tự 5 bước gồm ban thường vụ lần 1, cán bộ chủ chốt, ban chấp hành lần 1, ban thường vụ lần 2 và ban chấp hành lần 2.
Ở đây có 2 điểm cần lưu ý: (1) là trong Chỉ thị lần này, Bộ Chính trị đã quy định cụ thể số lượng nhân sự được giới thiệu ở mỗi bước trong quy trình nhân sự với số dư 30% tại bước 1 giảm dần còn 10 – 15% tại bước 5; (2) là tại hội nghị ban thường vụ lần 1, nếu như theo Chỉ thị số 35 năm 2019, ban thường vụ chỉ thông qua danh sách nhân sự đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện thì trong Chỉ thị số 35 mới, ban thường vụ có quyền bỏ phiếu giới thiệu nhân sự.
Điểm mới thứ 8 về thực hiện các mô hình thí điểm:Chỉ thị số 35 năm 2024 tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mô hình như bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy. Tuy nhiên, so với Chỉ thị số 35 năm 2019, trong Chỉ thị lần này, Bộ Chính trị quy định cụ thể về tiêu chuẩn để xác định địa phương được thực hiện; theo đó, mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND thực hiện ở những địa phương có quy mô hợp lý, nhân sự có phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao… Đồng thời, việc quyết định thực hiện các mô hình này thuộc thẩm quyền của ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh thay cho ban thường vụ cấp trên trực tiếp như trước đây.
Điểm mới thứ 9 đối với lực lượng vũ trang: Trong Chỉ thị lần này, Bộ Chính trị đã giao trách nhiệm cụ thể cho Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương trong việc hướng dẫn cụ thể về cơ cấu cấp ủy, tỉ lệ cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy và việc đổi mới cấp ủy đối với các đảng bộ trong lực lượng vũ trang.
Đồng thời đã quy định về độ tuổi của trưởng công an tham gia cấp ủy xã phù hợp với Luật Công an nhân dân sửa đổi. Bên cạnh đó, Chỉ thị số 35 năm 2024 không yêu cầu thực hiện thí điểm đại hội bầu trực tiếp bí thư cấp ủy đối với đảng bộ trong quân đội và công an.
Bài viết liên quan: