(Tuyên giáo Củ Chi) – Bộ phim “Sài Gòn – TPHCM: 50 năm thực hiện di chúc Bác Hồ” đạt giải B, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn TPHCM, đợt 1, giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ phim được Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Hội Điện ảnh TPHCM đầu tư, thực hiện nhân kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Với 9 tập phim, mỗi tập phim là một chủ đề độc lập, gắn với từng lĩnh vực trong bản di chúc của Người, qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung, của TPHCM nói riêng – suốt 50 năm qua.
Tập 1: Bản di chúc vĩnh cửu (đạo diễn Nguyễn Mộng Long). Phim nêu cô đọng và nổi bật nội dung của di chúc, nhấn mạnh các khía cạnh quan trọng và trường tồn của nội dung, đồng thời minh chứng sự gắn bó, quan hệ mật thiết giữa tình cảm – tư tưởng của Bác với thực tiễn đời sống; với quá trình phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tập 2: Tiến lên toàn thắng ắt về ta (đạo diễn Nguyễn Việt Bình). Tập phim đề cập tới cuộc chiến đấu gian nan và ngoan cường của các lực lượng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt là cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân: các lực lượng biệt động, quân chủ lực, tự vệ võ trang, của người dân Sài Gòn. Tuy trước đó chưa biết nhiều về cách mạng, lần đầu tiên tiếp xúc với người cách mạng qua anh chiến sĩ giải phóng, nhưng đã hết lòng giúp đỡ, cưu mang, nuôi giấu trong nhà… Qua đó có thể thấy tấm lòng yêu nước của người dân Sài Gòn và tình cảm thân thương giữa những con người cùng Tổ quốc.
Tập 3: Chiến lược trồng người (đạo diễn Nguyễn Hoàng). Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong di chúc, về chiến lược trồng người, nhận thức đúng yêu cầu đào tạo cán bộ trẻ, đa dạng hóa các hình thực đào tạo, tuyển dụng, chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên, TPHCM đã và đang chú trọng đào tạo, bồi dưỡng bổ sung một đội ngũ đông đảo cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý, đủ sức gánh vác nhiệm vụ xây dựng thành phố mang tên Bác phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong vai trò “Ði trước, về đích trước”.
Tập 4: Những thành tựu đầu tiên (đạo diễn Phan Huỳnh Trang). Phim nhấn mạnh những thành tựu có dấu ấn cột mốc, làm biến chuyển, thúc đẩy thành phố phát triển đi lên 10 năm sau giải phóng. Đồng thời, qua đó cũng thấy được những bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức, là tiền đề cho công cuộc đổi mới và thấy rõ tiến trình TPHCM được mệnh danh là Thành phố tre, năng động, sáng tạo.
Tập 5: Đêm trước đổi mới (kịch bản và đạo diễn Dương Cẩm Thúy). Dự cảm được bước đi tất yếu của lịch sử, dẫn dắt cuộc đấu tranh cho cái mới đi tới thắng lợi, ngoài tư duy mới lại phải có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, căn cứ vào đường lối của Đảng, bàn bạc với quần chúng, tổng kết cách nghĩ, cách làm của quần chúng, đề lên thành kinh nghiệm, chỉ đạo thực nghiệm, rút ra lý luận. Bằng cả lý luận và thực tế mà thuyết phục, lôi cuốn đồng bào, đồng chí làm theo. Các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt là những con người như vậy. Đó là những Bí thư Thành ủy TPHCM năng động, sáng tạo, luôn trăn trở tìm tòi, đổi mới.
Tập 6: Những người xa xứ (đạo diễn Nguyễn Mộng Long). Tập phim nói về những người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, góp công góp sức cho công cuộc giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Chuyện của những người xa xứ cũng là minh chứng cho chủ trương đường lối, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sử dụng trí thức, nhân tài, về mặt trận dân tộc thống nhất, về đại đoàn kết toàn dân tộc, về đối ngoại…
Tập 7: Thầm lặng mà cao cả (kịch bản và đạo diễn Dương Cẩm Thúy). Phim đề cập về phong trào thi đua yêu nước và những tấm gương người tốt việc tốt của TPHCM; về những tập thể, con người anh hùng, giỏi giang, quên mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong phong trào thi đua yêu nước; những điểm sáng từ cuộc vận động làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh… những người đã góp công sức, tài năng xây dựng, bảo vệ thành phố nối tiếp hơn 40 năm qua, từ khi mang tên TPHCM; những tấm gương tuy thầm lặng mà cao cả.
Tập 8: Thành phố nghĩa tình (đạo diễn Tuấn Hồ). TPHCM, thành phố của nghĩa tình. Nghĩa tình đó là lòng yêu nước, thương nòi, “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời chăm lo hiệu quả đến đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và đối tượng chính sách, bằng những phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, đền ơn đáp nghĩa, phong trào xây dựng khu phố văn hóa, phong trào cứu trợ, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, những phong trào từ thiện, hiến đất xây trường học…
Tập 9: Khát vọng qua những công trình (đạo diễn Trần Luân Kim). Phim là một bức tranh chung diện mạo hôm nay của thành phố mang tên Bác, tô điểm thành tựu cùng vẻ đẹp đáng tự hào của thành phố thân yêu, chuẩn bị cho một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa của đất nước vươn lên mạnh mẽ trong tương lai. Đó là những công trình kiến trúc, xây dựng nhà cửa, đường sá, thủy lợi, giao thông vận tải đã và đang làm thay đổi bộ mặt thành phố, biến thành phố trở thành văn minh, hiện đại.
Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM trân trọng giới thiệu nội dung phim Tài liệu “Sài Gòn – TPHCM: 50 năm thực hiện di chúc Bác Hồ” đến bạn đọc, khán giả. Thông tin chi tiết về bản phim phát hành liên hệ trực tiếp Hội Điện ảnh TPHCM. Địa chỉ: 81 Trần Quốc Thảo (lầu 6), phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM – ĐT: 028.39321229, Email: hoidienanhtphcm@gmail.com
Nguồn: Hội Điện ảnh TPHCM
Bài viết liên quan: