(Tuyên giáo Củ Chi) – GS.TS Nhà văn Trình Quang Phú là nhà văn, nhà báo, có nhiều đầu sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác phẩm “Nhà văn và chữ tình gởi lại” do ông viết được Nhà xuất bản Hội nhà văn, ấn hành năm 2022 đã đạt giải A, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên địa bàn TPHCM, đợt 1, giai đoạn 2021 – 2025.
GS.TS Nhà văn Trình Quang Phú sinh năm 1940 tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông là đại tá an ninh nghỉ hưu, nguyên là chuyên viên Ban CP72 của Trung ương Đảng, từng là trợ lý Chủ tịch – Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ông từng giữ nhiều vị trí, vai trò ở một số viện, hiệp hội, câu lạc bộ. Một số tác phẩm nổi bật đã xuất bản: Miền Nam trong lòng Bác, Đường Bác Hồ đi cứu nước (tái bản 19 lần), Từ làng Sen đến bến nhà Rồng (tái bản 20 lần), Người con gái Tuy Hòa, Ký sự xứ người…
Tác phẩm “Nhà văn và chữ tình gởi lại” thuộc thể loại bút ký. Bằng giọng kể chân thực, chính xác, sinh động… nhà văn Trình Quang Phú đã dựng lên nhiều chân dung thú vị và tôn vinh các văn nghệ sĩ. Hầu hết nhân vật trong cuốn sách này là nhà văn nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Mỗi câu chuyện, cảm xúc của ông đều được hun đúc, xâu chuỗi từ những năm tháng chiến tranh cho tới thời bình. Đọc cuốn sách, có thể thấy người Việt đã lĩnh hội, chia sẻ, khám phá nhân vật bằng năng lượng và tinh thần thấu cảm sâu sắc. Nhờ đó, ông đã lưu giữ được những hình ảnh, phần đời sống động và trở thành một tấm gương cho các nhà văn. Thấm đẫm trong mỗi trang văn là nhân tính đẹp đẽ và kiêu hãnh của con người, góp phần tạo nên những “hồ sơ mới” về những văn nghệ sĩ đã từng được tôn vinh, kính trọng.
Cuốn sách có rất nhiều trang ghi lại những ký ức đẫm chữ tình: Là câu chuyện giữa núi rừng Hòa Bình tĩnh mịch, sau khi vượt suối trong đêm, Trình Quang Phú nghe nhà văn Sơn Tùng sẻ chia: “Gia đình Bác, bố Bác, mẹ Bác, anh chị Bác đều là những nhân vật rất đáng kính và nên viết”, “Không viết là có tội với lịch sử đấy” – Nhà văn của tác phẩm Búp sen xanh chính là người truyền cảm hứng cho nhà văn Trình Quang Phú theo đuổi đề tài viết về Bác Hồ… Đó là tình bạn tri âm tri kỷ của hai nhà thơ lớn Huy Cận – Xuân Diệu, dù ở chung “nhà tôi 24 Cột Cờ”, người tầng trên, người tầng dưới nhưng “Huy Cận có nếp quen, trước khi ra xe đi làm ghé qua thăm Xuân Diệu dù chỉ chốc lát”; là sự chuyên nghiệp, yêu nghề của nhà thơ Xuân Diệu khi ông chia sẻ với tác giả: “Mùa đông, ngủ trưa mình nằm không dám đắp chăn; ấm quá sẽ ngủ quên”, “nếu mỗi ngày ngủ thêm một tiếng, cuộc đời viết sẽ mất vài năm”; là sự trân trọng từng con chữ khi “Tôi tin và trao thơ của tôi cũng như trao con của tôi cho chú”. Đó là câu chuyện bên ly rượu ngon với nắm lạc luộc từ vùng dân tộc cùng nhà thơ Quang Dũng, và rút lại vẫn là những đau đáu về văn chương khi tác giả của Tây Tiến nói: “Thôi, mọi chuyện để đời sau phán xử. Thơ văn khi viết ra là của ta, nhưng sống hay chết, hay hoặc dở của tác phẩm là thuộc về người đọc, thuộc về Nhân dân”.
Một nét mới của cuốn sách gần 300 trang này là phần tư liệu dày dặn với hơn 100 bức chân dung của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại mà tác giả Trình Quang Phú đã tự tay chụp. Ngoài ra còn có nhiều hình ảnh chụp chung ông cùng các văn nghệ sĩ ghi lại kỷ niệm những lần gặp gỡ. Trong đó nhiều bức chưa từng xuất hiện. Nhiều bức hình bắt được hồn sắc, thần thái của nghệ sĩ.
Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM trân trọng giới thiệu Tác phẩm “Nhà văn và chữ tình gởi lại” đến quý bạn đọc, khán giả. Sách đang bán tại hệ thống các cửa hàng sách trên toàn quốc. Thông tin chi tiết liên hệ Hội Nhà Văn Thành phố. Địa chỉ: 81, Trần Quốc Thảo (lầu 6), phường Võ Thi Sáu, Quận 3, TPHCM. email: nhavantphcm.com.vn@gmail.com.
Nguồn Hội Nhà văn TPHCM
Bài viết liên quan: